Dọc đường thiên lý Bắc – Nam, người hay quan sát thường để ý cái tên đề trên các quán xá, cửa hàng, cửa hiệu… Mì Quảng, bê thui Cầu Mống, phở Bắc, phở Hà Nội, cơm gà Tam Kỳ, cao lầu Hội An, rượu Bàu Đá…thảy cũng là những món quen đã trở thành thương hiệu vùng đất. Hay như bảng hiệu khác là tranh thêu XQ, hoa Đà Lạt, kẹo Cu đơ, cá bống sông Trà.v.v… Qua những tên bảng hiệu ấy mà tình cờ gặp cố nhân, lớn hơn thế là câu chuyện thương hiệu kinh doanh, làm ăn, giao dịch thương mại.
Ô tô Chu Lai- Trường Hải cũng là một thương hiệu đã hình thành từ nhiều năm trước, giờ đây đã quen dần với người Quảng. Người ta quen trước hết với bảng hiệu, như chuyện đó là xe KIA của Trường Hải, đó là xe đón công nhân của Trường Hải, sau rồi mới biết THACO GROUP (Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải).
Bảng hiệu là thể hiện một phần sự quảng bá thương hiệu. Nhưng không phải bao giờ bảng hiệu cũng đạt sự chân thực, bản chất của giao dịch thương mại. Cho nên, có chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”. Thậm chí ngay ở cái tên cũng chưa hẳn đúng, như kiểu mì…Quãng, rượu…Bồ Đá. Rõ ràng, điều đáng suy ngẫm ở đây là không phải luôn đúng một kiểu suy luận “tên anh như cuộc đời’. Việc dựng lên một bảng hiệu, xây dựng một thương hiệu, cần và luôn cần thực chất, cần nêu đúng những gì mà chủ nhân của nó muốn hướng đến. Thêm nữa, thương hiệu có mạnh hay không cũng là một quá trình xây đắp bằng uy tín trên những dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Việc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải dày công tạo dựng thương hiệu trên đất Quảng Nam nói riêng, Việt Nam và thị trường quốc tế nói chung, là một kỳ công. Bên cạnh truyền thông quảng bá, sức mạnh của Ô tô Trường Hải được khẳng định chính bởi uy tín của dòng sản phẩm, luôn tạo nhu cầu mới và mới, khao khát với ước mơ vươn ra xuất khẩu sang khu vực AFTA. “Giấc mơ” của Ô tô Chu Lai Trường Hải, giờ đây đã được chắp cánh khi hình thành khu công nghiệp cơ khí ô tô, với hàng loạt nhà máy. Các dự án nhà máy thép, nhà máy cơ khí, cảng Tam Hiệp, nhà máy xe bus… được tập trung xây dựng, bên cạnh những công trình liên hoàn, góp phần để Ô tô Trường Hải trở thành doanh nghiệp động lực, có chức năng “đầu kéo” cho Khu kinh tế mở Chu Lai, chính là cách tạo thương hiệu mạnh từ nội lực sản xuất. Bảng hiệu hay thương hiệu của Ô tô Trường Hải có thể sẽ có sức mạnh quảng bá và chinh phục được thị trường từ chính nội sinh giấc mơ ấy, bằng thực tế và sự trải nghiệm.
Sẽ tìm đâu cái “bảng hiệu” riêng mình trong hàng tỷ cái tên? Sẽ tạo lập thương hiệu kinh doanh như thế nào ở đất chật người đông? Mỗi người, mỗi vị chủ nhân sẽ tìm câu trả lời của riêng mình, nhưng điều đáng ngẫm không chỉ là tên gọi, và không chỉ ở chuyện làm ăn. Bảng hiệu, thương hiệu, có lẽ chính là phần lõi cốt, phần hồn trong những suy tưởng về văn hóa kinh doanh.